Tảo xoắn thực chất là một loại vi khuẩn thuộc họ khuẩn lam – một loại vi khuẩn đơn bào. Giống như thực vật, tảo xoắn nói riêng và các khuẩn lam nói chung có thể tạo ra năng lượng từ ánh sáng mặt trời thông qua quá trình quang hợp.
Tảo xoắn được người Aztec cổ đại tiêu thụ nhiều nhưng trở nên phổ biến nhất khi Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đề xuất nuôi chúng trong tàu du hành không gian để phục vụ một phần cho nhu cầu thực phẩm của các phi hành gia. Liều tảo xoắn khuyến nghị hàng ngày dao động từ 1-3 gram, tuy nhiên trong nhiều nghiên cứu, liều lượng tảo xoắn lên đến 10 gram cũng không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Tảo xoắn chứa hàm lượng chất dinh dưỡng đa dạng
Tảo xoắn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu. Mỗi muỗng canh bột tảo xoắn khô tương đương khoảng 7 gram có chứa:
- Protein:4 gram
- Vitamin B1:11% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày
- Vitamin B2:15% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày
- Vitamin B3:4% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày
- Đồng: 21% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày
- Sắt: 11% nhu cầu khuyến nghị hàng ngày
Tảo xoắn cũng chứa một lượng tương đối lớn magie, kali, mangan và một số chất dinh dưỡng cũng như khoáng chất cần thiết khác. Ngoài ra, mỗi 7 gram tảo xoắn còn cung cấp khoảng 20 calo và 1,7 gram carbohydrate. Xét trên phương diện hàm lượng chất dinh dưỡng, thật khó có thể thấy thực phẩm nào vượt qua được tảo xoắn về độ bổ dưỡng.
Về hàm lượng chất béo, mỗi 7 gram tảo xoắn có chứa khoảng 1 gram chất béo, bao gồm cả axit béo omega-3 và axit béo omega-6 theo tỷ lệ xấp xỉ 1 – 1,5 lần. Chất lượng protein trong tảo xoắn cũng được coi là tuyệt vời, thậm chí có thể so sánh với protein trong trứng. Tảo xoắn cung cấp hầu như tất cả các acid amin thiết yếu mà cơ thể cần.
Nhiều người cho rằng, tảo xoắn chứa vitamin B12 những điều này hoàn toàn không đúng. Trên thực tế, tảo xoắn chứa một loại chất dinh dưỡng được gọi là pseudo vitamin B12 và chúng không mang lại những tác dụng giống vitamin B12.